Mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm đang có dấu hiệu tăng lên gần đây, khiến không ít người lo ngại sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Các nhà điều hành sẽ thực hiện thêm giải pháp gì để ổn định lãi suất ngân hàng hiện nay?
Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất ngân hàng huy động cuối năm
Lãi suất gửi tiết kiệm tại Vietcombank kỳ hạn 1, 2 và 6 tháng tăng 0,2%/năm. Kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng cũng được điều chỉnh tăng lãi suất 0,1%/năm.
Lãi suất huy động tại Vietinbank kỳ hạn 1 và 2 tháng có sự điều chỉnh tăng 0,2%/năm so với trước đó. Vietinbank cũng đang ấn định mức lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 1 và 2 tháng là 4,5%/năm.
Mức điều chỉnh tăng 0,2% cũng được Vietinbank áp dụng đối với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn còn lại. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5%/năm.
Ngoài ra, lãi suất ngân hàng ACB, MaritimeBank cũng sẽ điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ kể từ ngày 05/10. Theo thống kê, lãi suất huy động ngân hàng cao nhất đối với kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng OCB, SCB, OceanBank, VietBank, BaoVietBank, NCB, lên đến 5,5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng Sacombank, KienLongBank, Nam Á Bank, VietCapital Bank và VPBank đang áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng là 5,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm Sacombank, Vietinbank và HDBank là 5,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng ACB 5%/năm; Techcombank 4,9%/năm. Các ông lớn như Vietcombank, BIDV và Agribank đang áp dụng mức lãi suất 4,8%/năm dành cho kỳ hạn 3 tháng.
Nhiều ngân hàng còn “room” cho tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ tích cực cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó, các ngân hàng trong nước sẽ phải tăng lãi suất huy động hoặc tăng các hình thức khuyến mại để huy động tiền nhàn rỗi trong dân.
Câu chuyện dự trữ bắt buộc ngủ yên trong suốt thời gian dài
Thông thường việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giải phóng lượng vốn lớn cho các ngân hàng. Thay vì tiền phải nằm trong tài khoản của NHNN thì giờ đây sẽ được các ngân hàng thương mại rút ra và đưa vào thị trường. Điều này không chỉ giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế mà còn tạo điều kiện để ổn định và giảm lãi suất ngân hàng.
Một khi vốn dự trữ bắt buộc thấp hơn, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm xuống, các ngân hàng sẽ tăng được tỷ lệ tài sản sinh lời. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một trong những giải pháp thường được các NHTW thế giới dùng nhằm tác động lên lãi suất thị trường.
Hiện tại, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam đối với đồng VNĐ áp dụng cho NHTM, chi nhánh ngân hàng nước, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và cho thuê tài chính ở mức 3% đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng.
Tỷ lệ 1% đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Còn với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ tỷ lệ này lần lượt là 8% và 6%. Quy định trên được duy trì áp dụng từ tháng 9/2011 cho đến nay.
Trong các năm gần đây, NHNN đã sử dụng các giải pháp như linh hoạt bơm thanh khoản cho hệ thống, điều chỉnh lãi suất điều hành... Giải pháp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dù đôi lần được nhắc đến nhưng liều thuốc này hiện vẫn chưa được dùng đến.
Cuối tháng 5 vừa qua, NHNN đã ban hành quyết định số 1158/QĐ-NHNN với quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm ngân hàng Agribank và ngân hàng hợp tác xã. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của ngân hàng trong nhóm này tăng từ 1% lên 3% kể từ ngày 1/6/2018.
Tuy nhiên, với xu hướng tình hình lãi suất ngân hàng có dấu hiệu đi lên như hiện nay. Quy định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là không hề dễ chịu từ sự tác động của lạm phát và tỷ giá. Việc cân nhắc đến liều thuốc dự trữ bắt buộc có lẽ là không thừa vào thời điểm này.
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giải phóng hàng trăm nghìn tỷ đồng
Hiện nay, tổng số dư tiền gửi trong hệ thống các tổ chức tín dụng gần 7.5 triệu tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng chiếm 80%, tương ứng khoảng 6 triệu tỷ đồng. Còn lại là tiền gửi trung dài hạn trên 12 tháng là 1,5 triệu tỷ đồng.
Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng hiện nay, thì lượng tiền dự trữ đang nằm yên là 225 nghìn tỷ đồng. Nếu như có thể giảm được 1% tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngắn hạn sẽ giải phóng lượng vốn tương ứng với 60 nghìn tỷ đồng. Trong trường hợp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn một nửa, điều chỉnh cho cả tiền gửi ngắn hạn và trung dài hạn, thì lượng vốn giải thoát lên tới 112.5 nghìn tỷ đồng.
Hiệu ứng của việc giảm dự trữ bắt buộc không chỉ nằm ở lượng tiền dư ra để các NHTM đẩy mạnh kinh doanh. Nó còn có những tác động về mặt tâm lý. Đồng thời giúp giảm chi phí vốn của các ngân hàng đáng kể, thậm chí là giảm lãi suất cho vay.
Hiện nay, các nước đang phát triển đang có mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình là khoảng 5%. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vốn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến thương mại lẫn tỷ giá đang diễn ra. Nhiệm vụ đặt ra cho nhà điều hành đã là một thách thức không hề nhỏ. Để đảm bảo cho nền kinh tế vận hành đúng hướng và duy trì được tỷ lệ tăng trưởng.