Chỉ trong vài tiếng sau khi mở cửa, mỗi lượng vàng SJC đã rẻ đi tới 3 triệu đồng/lượng so với lúc mở cửa ngày giao dịch. Tới 10h, giá vàng thế giới tiếp tục "mất phanh" khi bị điều chỉnh về vùng 1.887 USD một ounce. Đà giảm nhanh kéo giá vàng miếng trong nước xuống sâu. Tập đoàn DOJI điều chỉnh giá mua vào xuống 48,9 triệu đồng và bán ra 52,5 triệu đồng một lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý SJC mua vào 47,42 triệu đồng và bán ra 51,37 triệu đồng một lượng, lần lượt mất 6,16 triệu đồng và 4,11 triệu đồng so với trước giờ mở cửa.
Trước đó, lúc 9h, khi mở cửa, các doanh nghiệp lớn như DOJI, SJC cũng đã giảm gần 4 triệu đồng giá mua vào và bán ra. Khi thị trường giảm sâu, các doanh nghiệp vàng chủ động đẩy giá mua vào thấp để phòng ngừa rủi ro cho mình.
Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của thị trường kim loại quý trong nước. Như vậy trong chưa đầy một tuần lập đỉnh, giá vàng đã mất hơn 10 triệu đồng mỗi lượng.
So với giá thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang thấp hơn khoảng 1,6 triệu đồng mỗi lượng.
Đại diện của DOJI nhận định, khi tăng tới một giai đoạn nhất định, vàng miếng sẽ phải điều chỉnh để giảm về đúng giá tương đương với thế giới. Mặt khác, giá vàng giảm còn do sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo sự cân bằng của thị trường, chênh lệch giá mua - bán sẽ có xu hướng thu hẹp lại.
Với mức như trên thì mức điều chỉnh hiện nay chưa thấm vào đâu, do vậy có khả năng giá vàng thế giới sẽ còn giảm thêm vì các quỹ đầu tư có nhu cầu chốt lời sau chuỗi tăng liên tục. Với tình hình như hiện nay, việc giá vàng thế giới rơi xuống mức dưới 2.000 USD/ounce là hoàn toàn có thể.
Do vậy các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên nôn nóng dẫn đến chọn sai thời điểm tham gia thị trường.