Tỷ giá hối đoái được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ. Do đó, khái niệm tỷ giá hối đoái sẽ có sự khác nhau tùy vào mục đích hoạt động của chủ thể khi tham gia vào thị trường. Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về vấn đề này nhé.
Định nghĩa chung cho tỷ giá hối đoái
Giữa hai loại tiền tệ khác nhau, tỷ giá mà một đồng tiền này có thể được trao đổi cho một đồng tiền khác gọi là tỷ giá hối đoái. Nó còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá Forex, tỷ giá FX giữa hai tiền tệ.
Theo bộ Luật Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (năm 1997) định nghĩa tỷ giá hối đoái Việt Nam là tỷ lệ giá trị của đồng Việt Nam với giá trị đồng tiền nước ngoài. Tỷ giá được hình thành dựa trên cơ sở cung cầu ngoại tệ, dưới sự sự điều tiết của Nhà Nước. Và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố. Bảng tỷ giá hối đoái sẽ được công bố theo ngày.
Khái niệm tỷ giá hối đoái bạn cần biết
Các bạn cần hiểu tỷ giá hối đoái theo hai khái niệm sau:
1: Khái niệm tỷ giá hối đoái thứ nhất
Tỷ giá hối đoái là quan hệ so sánh về mặt giá trị giữa hai đồng tiền của hai quốc gia khác nhau. Do đó, tỷ giá hối đoái được định nghĩa là giá cả mà tại mức giá đó đơn vị tiền tệ được đổi lấy được số đơn vị tiền tệ khác.
Ví dụ về tỷ giá hối đoái giữa Bảng Anh và Đô la Mỹ là 1,8235. Tức là về giá trị giữa hai đồng tiền 1 Bảng Anh bằng 1,8235 Đô la Mỹ hay 0.5484 Bảng Anh tương ứng 1 Đô la Mỹ.
2: Khái niệm tỷ giá hối đoái thứ hai
Tỷ giá hối đoái là gì ? không chỉ hiểu theo khái niệm thứ nhất mà nó còn được định nghĩa như sau: là quan hệ so sánh giữa hai lọai tiền tệ của hai nước theo một tiêu chuẩn nào đó.
+ Trong chế độ bản vị vàng:
Tỷ giá hối đoái là mối quan hệ so sánh giữa hai đồng tiền vàng của hai nước hoặc là mối quan hệ so sánh giữa hàm lượng vàng của hai đồng tiền giữa hai nước.
Ví dụ về tỷ giá hối đoái trong chế độ bản vị vàng:
Hàm lượng vàng của 1 đô la Mỹ là 0,778621 gam. Hàm lượng vàng của 1 bảng Anh là 2,398592 gam. Quan hệ so sánh giữa GBP và USD là1 GBP = 2,9 USD.
+ Trong chế độ lưu thông tiền giấy
Việc so sánh giữa hai đồng tiền được thực hiện qua phép so sánh sức mua của hai tiền tệ với nhau.
Ví dụ về tỷ giá hối đoái trong chế độ lưu thông tiền giấy: 10 tấn lúa loại 2 ở Anh có giá là 1000 GBP, giá ở Mỹ là 1780 USD. Giả sử cả 2 nước có nền kinh tế phát triển ngang nhau. Vậy ngang giá sức mua hay 1 GBP = 1,78 USD là tỷ giá hối đoái giữa bảng Anh và đô la Mỹ.
Cách tính tỷ giá hối đoái thực tế theo phương pháp tính chéo
Hiện nay trên các thị trường hối đoái quốc tế, thông thường người ta chỉ thấy tỷ giá giữa USD và GBP so với đồng nội tệ. Chẳng hạn ở Việt Nam thì người ta thông báo tỷ giá giữa USD so với VND, ở các nước cộng đồng chung châu Âu thì USD/EUR … Trong giao dịch ngoại hối, khách hàng còn muốn xác định tỷ giá giữa các đồng tiền khác, chẳng hạn họ muốn xác định tỷ giá USD/GBP, do vậy họ phải dùng một phương pháp nào đó để tính toán các tỷ giá này. Đó chính phương pháp tính chéo tỷ giá.
Xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá
Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cũng ở vị trí đồng tiền định giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền định giá chia cho tỷ giá của đồng tiền yết giá.
Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng và muốn tính tỷ giá bán của khách hàng lấy tỷ giá mua của ngân hàng chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.
Chẳng hạn, tỷ giá yết là VND/USD và CNY/USD, tỷ giá (TG) chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:
Yết giá/định giá = (Yết giá/USD)/(Định giá/USD)
- VND/USD = X/(X + VND)
- CNY/USD= Y/(Y + CNY)
Trong đó:
- X là tỷ giá mua và X + VND là tỷ giá bán của ngoại tệ VND.
- Y là tỷ giá mua và Y + CNY là tỷ giá bán của ngoại tệ CNY.
Xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá
Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cùng được yết ở vị trí đồng tiền yết giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá chia cho tỷ giá của đồng tiền định giá.
Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng chia cho tỷ giá bán của ngân hàng. Chẳng hạn, tỷ giá yết là USD/VND và USD/CNY, tỷ giá (TG) chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:
Yết giá/định giá = (USD/định giá)/(USD/yết giá)
- USD/VND = X/X + VND
- USD/CNY = Y/Y + CNY
Trong đó:
- X là tỷ giá mua và X + VND là tỷ giá bán của ngoại tệ VND.
- Y là tỷ giá mua và Y + CNY là tỷ giá bán của ngoại tệ CNY.
Xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá và định giá
Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền trong đó một đồng được yết ở vị trí đồng yết giá và một đồng yết ở vị trí đồng định giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá nhân với tỷ giá của đồng tiền định giá.
Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng nhân với tỷ giá bán của ngân hàng và muốn tính tỷ giá bán của khách hàng lấy tỷ giá mua của ngân hàng nhân với tỷ giá mua của ngân hàng. Chẳng hạn, tỷ giá yết là VND/USD và USD/CNY tỷ giá (TG) chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:
Yết giá(trực tiếp)/định giá = (Yết giá/USD) x (USD/Định giá)
- VND/USD = X/X + VND
- USD/CNY=Y/Y + CNY
Trong đó:
- X là tỷ giá mua và X + VND là tỷ giá bán của ngoại tệ VND.
- Y là tỷ giá mua và Y + CNY là tỷ giá bán của ngoại tệ CNY.
Phân loại các loại tỷ giá hối đoái
- Căn cứ vào đối tượng xác định tỷ giá, có thể chia làm tỷ giá chính thứcvà tỷ giá thị trường: Tỷ giá chính thức là tỷ giá do Ngân hàng trung ương của nước đó xác định. Trên cơ sở của tỷ giá này các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng sẽ ấn định tỷ giá mua bán ngoại tệ giao ngay, có kỳ hạn, hoán đổi. Tỷ giá thị trường là tỷ giá được hình thành trên có sở quan hệ cung cầu trên thị trường hối đoái.
- Căn cứ vào kỳ hạn thanh toán, có thể chia làm tỷ giá giao ngay và tỷ giá có kỳ hạn: Tỷ giá giao ngay (SPOT) là tỷ giá do tổ chức tín dụng yết giá tại thời điểm giao dịch hoặc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo trong biểu độ do ngân hàng nhà nước quy định. Việc thanh toán giữa các bên phải được thực hiện trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo, sau ngày cam kết mua hoặc bán. Tỷ giá giao dịch kỳ hạn (FORWARDS) là tỷ giá giao dịch do tổ chức tín dụng tự tính toán và thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo trong biên độ qui định về tỷ giá kỳ hạn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm ký hợp đồng.
- Căn cứ vào giá trị của tỷ giá, có thể chia làm tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực: Tỷ giá hối đoái danh ngh ĩa là tỷ giá của một loại tiền tệ được biểu hiện theo giá hiện tại, không tính đến bất kỳ ảnh hưởng nào của lạm phát. Tỷ giá hối đoái thực là tỷ giá có tính đến tác động của lạm phát và sức mua trong một cặp tiền tệ phản ảnh giá cả hàng hóa tương quan có thể bán ra nước ngoài và hàng tiêu thụ trong nước. Tỷ giá này đại diện cho khả năng cạnh tranh quốc tế của nước đó.
- Căn cứ vào phương thức chuyển ngoại hối, có thể chia làm tỷ giá điện hối và tỷ giá thư hối: Tỷ giá điện hối là tỷ giá thường được niêm yết tại ngân hàng. Đó là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện. Tỷ giá điện hối là tỷ giá cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác. Tỷ giá thư hối, tức là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư. Tỷ giá điện hối thường cao hơn tỷ giá thư hối.
- Căn cứ vào thời điểm mua/bán ngoại hối, có thể phân biệt tỷ giá mua và tỷ giá bán của ngân hàng: Tỷ giá mua là tỷ giá của ngân hàng mua ngoại hối vào. Tỷ giá bán là tỷ giá của ngân hàng bán ngoại hối ra. Tỷ giá mua bao giờ cũng thấp hơn tỷ giá bán và khoản chênh lệch đó là lợi nhuận kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.
Thông thường thì ngân hàng không công bố tất cả tỷ giá của các hợp đồng đã ký kết trong một ngày mà chỉ công bố tỷ giá của hợp đồng ký kết cuối cùng trong ngày đó, người ta gọi đó là tỷ giá đóng của. Tỷ giá đóng cửa được coi là chỉ tiêu chủ yếu về tình hình biến động của tỷ giá trong ngày hôm đó. Tỷ giá được công bố vào đầu giờ của đầu ngày giao dịch được gọi là tỷ giá mở cửa.
Các yếu tố ảnh hưởng và quyết định tỷ giá hối đoái
Có nhiều yếu tố quyết định tỷ giá hối đoái, và tất cả đều liên quan đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Hãy nhớ rằng, tỷ giá hối đoái có tính tương đối, và được thể hiện như sự so sánh giữa đồng tiền của hai quốc gia. Sau đây là một số yếu tố chính quyết định tỷ giá hối đoái (được xếp ngẫu nhiên chứ không phân theo thứ tự quan trọng).
Chênh lệch lạm phát
Theo nguyên tắc chung, khi một đất nước duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, giá trị của đồng tiền nước này sẽ tăng lên, bởi sức mua trong nước tăng lên tương đối so với các đồng tiền khác. Trong nửa cuối của thế kỷ 20, những nước có lạm phát thấp bao gồm Nhật Bản, Đức và Thụy Sĩ, còn Mỹ và Canada mãi về sau mới đạt được mức lạm phát thấp. Còn đồng tiền của những nước có lạm phát cao hơn thường mất giá so với với đồng tiền của các đối tác thương mại của mình. Hiện tượng này cũng thường đi kèm với lãi suất cao hơn.
Chênh lệch lãi suất
Lãi suất, lạm phát và tỷ giá hối đoái có mối tương quan chặt chẽ. Bằng cách kiểm soát lãi suất, các ngân hàng trung ương sẽ gây ảnh hưởng đến cả lạm phát và tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, lãi suất thay đổi sẽ tác động đến lạm phát và giá trị tiền tệ. Một nền kinh tế có lãi suất cho vay cao sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho chủ nợ so với các nền kinh tế khác. Do đó, lãi suất cao thu hút vốn đầu tư nước ngoài và làm tỷ giá hối đoái tăng. Tuy nhiên, tác động của lãi suất cao sẽ trở nên tiêu cực, nếu lạm phát trong nước cao hơn nhiều so với các nước khác, hoặc nếu có thêm những yếu tố khác làm giảm giá trị đồng tiền. Ngược lại, lãi suất giảm có xu hướng làm giảm tỷ giá hối đoái.
Thâm hụt tài khoản vãng lai
Tài khoản vãng lai là cán cân thương mại giữa một quốc gia và các đối tác thương mại của nó, phản ánh tất cả các khoản thanh toán giữa các nước liên quan đến hàng hoá, dịch vụ, lãi và cổ tức. Thâm hụt tài khoản vãng lai cho thấy một quốc gia đang chi tiêu cho ngoại thương nhiều hơn việc thu nhập từ xuất khẩu, và rằng nước này đang vay vốn từ các nguồn nước ngoài để bù đắp thâm hụt. Nói cách khác, đất nước cần nhiều ngoại tệ hơn những gì nhận được thông qua xuất khẩu, và cung cấp nội tệ cho nước ngoài nhiều hơn những gì họ cần để mua hàng hóa. Nhu cầu ngoại tệ dư thừa làm giảm tỷ giá hối đoái của nước này cho đến khi giá của hàng hóa, dịch vụ trong nước đủ rẻ đối với người nước ngoài và các tài sản nước ngoài quá đắt để tạo ra doanh số bán hàng trong nước.
Nợ công
Do thâm hụt ngân sách, một quốc gia sẽ tài trợ quy mô lớn cho các dự án nhà nước và hoạt động của chính phủ bằng hình thức vay nợ. Mặc dù hoạt động này kích thích nền kinh tế trong nước, nhưng các quốc gia có thâm hụt ngân sách và nợ công lớn sẽ trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là vì một khoản nợ lớn thường dẫn đến lạm phát, và nếu lạm phát lên cao, chính phủ phải trả lãi cho các khoản nợ này và cuối cùng trả hết nợ với đồng đô la rẻ hơn trong tương lai.
Trong trường hợp xấu nhất, chính phủ có thể in tiền để trả một phần của một khoản nợ lớn, nhưng tăng cung tiền không tránh khỏi gây ra lạm phát. Hơn nữa, nếu chính phủ không có khả năng trả lãi cho thâm hụt thông qua các công cụ trong nước (bán trái phiếu trong nước, tăng cung tiền), thì họ sẽ phải tăng nguồn cung chứng khoán để bán cho người nước ngoài, do đó giá chứng khoán giảm xuống. Cuối cùng, một khoản nợ lớn có thể là mối lo cho nhà đầu tư nước ngoài nếu họ tin rằng quốc gia này sẽ không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn sở hữu chứng khoán đề mệnh giá bằng đồng tiền nước đó nếu nguy cơ vỡ nợ là rất lớn. Vì lý do này, xếp hạng nợ của một quốc gia (ví dụ như của Moody’s hay Standard & Poor) là một yếu tố quyết định đến tỷ giá hối đoái.
Tỷ lệ trao đổi thương mại
Là tỷ lệ so sánh giá xuất khẩu với giá nhập khẩu. Tỷ lệ trao đổi thương mại có liên quan đến tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán. Nếu tốc độ tăng giá xuất khẩu của một quốc gia nhanh hơn tốc độ tăng giá nhập khẩu, thì tỷ lệ trao đổi thương mại đã được cải thiện tích cực. Tỷ lệ trao đổi thương mại tăng cho thấy nhu cầu về hàng xuất khẩu của nước đó đang tăng, dẫn đến doanh thu từ xuất khẩu tăng, và nhu cầu cho nội tê tăng lên (và giá trị của đồng nội tệ tăng). Nếu tốc độ tăng trưởng của giá xuất khẩu chậm hơn so với nhập khẩu, giá trị của đồng nội tệ sẽ giảm tương đối với các đối tác thương mại.
Độ ổn định chính trị và hoạt động của nền kinh tế
Các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn muốn đầu tư vào những quốc gia có nền chính trị ổn định với nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ. Một đất nước có những đặc điểm này sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn so với các nước có rủi ro chính trị và kinh tế cao hơn. Ví dụ, bất ổn chính trị có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư dành cho một đồng tiền và họ sẽ chuyển luồng vốn vào đồng tiền của các nước ổn định hơn.
Các công cụ chính sách điều tiết tỷ giá hối đoái
Phương pháp lãi suất chiết khấu :
Đây là phương pháp thường sử dụng để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trên thị trường.Với phương pháp này, khi tỷ giá hối đoái đạt đén mức báo động cần phải can thiệp thì NHTƯ nâng cao lãi suất chiết khấu . Do lãi suất chiết khấu tăng nên lãi suất trên thị trường cũng tăng lên . Kết quả là vốn vay ngắn hạn trên thị trường thế giới sẽ dồn vào để thu lãi suất cao hơn . Nhờ thế mà sự căng thẳng về nhu cầu về ngoại tệ sẽ bớt đi , làm cho tỷ giá không có cơ hội tăng nữa. Lãi suất do quan hệ cung cầu của vốn vay quyết định . Còn tỷ giá thì do quan hệ cung cầu về ngoại tệ quyết định . Điều này có nghĩa là những yếu tố để hình thành tỷ giá và lãi suất là không giống nhau , do vậy mà biến động của lãi suất không nhất thiết kéo theo sự biến động của tỷ giá.
Các nghiệp vụ của thị trường hối đoái :
Thông qua các nghiệp vụ mua bán ngoại tệ điều chỉnh tỷ giá hối đoái là một trong những biện pháp quan trọng nhất của nhà nước để giữ vững ổn định sức mua của đồng tiền quốc gia . Đây là biện pháp trực tiếp tác động vào tỷ giá hối đoái . Việc mua bán ngoại tệ được thực hiện trên nguyên tắc diễn biến giá cả ngoại tệ trên thị trường và ý đồ can thiệp mang tính chất chủ quan của nhà nước . Việc can thiệp này phải là hành động có cân nhắc, tính toán những nhân tố thực tại cũng như chiều hướng phát triển trong tương lai của kinh tế, thị trường tiền tệ và giá cả.
Quỹ dự trữ bình ổn hối đoái :
Nguồn vốn để hình thành quỹ dự trữ bình ổn hối đoái thường là : phát hành trái khoán kho bạc bằng tiền quốc gia . Khi ngoại tệ vào nhiều,thì sử dụng quỹ này để mua nhằm hạn chế mức độ mất giá của đồng ngoại tệ .Ngược lại , trong trường hợp vốn vay chạy ra nước ngoài quỹ bình ổn hối đoái tung ngoại tệ ra bán và tiếp tục mua các trái khoán đã phát hành để ngăn chặn giá ngoại tệ tăng .Theo phương pháp này , khi cán cân thanh toán quốc tế bị thâm hụt , quỹ bình ổn hối đoái sẽ đưa vàng ra bán thu ngoại tệ về để cân bằng cán cân thanh toán , khi ngoại tệ và nhiều , quỹ sẽ tung vàng ra bán thu về đồng tiền quốc gia để thu ngoại tệ nhằm duy trì sự ổn định tỷ giá hối đoái
Tác động tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam hiện nay
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, việc nhận diện những tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam là việc làm cần thiết trong bối cảnh các rào cản thuế quan và hạn ngạch hàng hóa nhằm bảo hộ thương mại buộc phải dỡ bỏ dần.
Điều hành tỷ giá ít có tác động đến cán cân thương mại ở Việt Nam: Về mặt lý thuyết, nếu tiền đồng được định giá cao, hàng hóa nội địa sẽ mất dần tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại. Ngược lại, nếu tiền đồng được định giá thấp, hàng hóa trong nước có tính cạnh tranh hơn, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại
Kết quả cho thấy, do điều hành tỷ giá tương đối cứng nhắc nên kể từ năm 2005 đến nay, chênh lệch NEER và REER gia tăng nhanh chóng và từ năm 2011 đến nay, tiền đồng đang được định giá quá cao. Thực tế, theo Hình 1, tỷ giá và cán cân thương mại tại Việt Nam ít thấy mối quan hệ chặt chẽ theo lý thuyết. Điều này phản ánh cán cân thương mại của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố “thực”, “cơ cấu” chứ không phải là yếu tố “danh nghĩa”. Bởi vì cơ cấu sản xuất trong nước và xuất khẩu phần lớn phụ thuộc đầu vào nhập khẩu trong khi ngành công nghiệp phụ trợ còn thiếu vắng và chưa phát triển.
Hiện nay VND lên giá tương đối so với giỏ tiền tệ. NEER đã khiến tỷ giá hữu hiệu thực (REER) tăng theo và tăng mạnh hơn, do khoảng chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và 08 nước trong giỏ tiền tệ ngày càng mở rộng. Diễn biến của REER cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã trở nên đắt hơn tương đối so với hàng hóa của 08 nước trong giỏ tiền tệ, trong dài hạn sẽ ảnh hưởng không tốt đến cán cân thương mại.
Tỷ giá hối đoái là do các nhân tố thị trường quyết định và nó thay đổi hàng ngày và cũng có sự chênh lệch ít nhiều giữa các đơn vị đại lý đổi tiền, ngân hàng khác nhau. Các bạn nên cập nhập thường xuyên để biết mức tỷ giá hối đoái ngân hàng chính xác nhất.